Định vị thương hiệu là một yếu tố cơ bản trong chiến lược thương hiệu. Dù là thương hiệu sản xuất hay bán lẻ đều cần một định vị rõ ràng. Hiểu đơn giản, định vị là cách một thương hiệu muốn khắc sâu hình ảnh và thông điệp vào tâm trí khách hàng: Họ sẽ nghĩ gì khi nhắc đến thương hiệu này? Thương hiệu chuyên về lĩnh vực nào? Điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh là gì?
Trong ngành bán lẻ, định vị thương hiệu đặc biệt quan trọng vì nó ảnh hưởng toàn bộ chuỗi giá trị – từ danh mục sản phẩm, thiết kế cửa hàng, trải nghiệm khách hàng đến truyền thông. Mọi yếu tố này đều phải đồng nhất với định vị thương hiệu.
Chẳng hạn, UNIQLO định vị mình là một thương hiệu thời trang dành cho tất cả mọi người trong suốt cuộc đời. Định vị này thể hiện rõ trong danh mục sản phẩm phong phú, bao phủ mọi độ tuổi và nhu cầu – từ trẻ sơ sinh, học sinh, người đi làm đến người lớn tuổi. Trải nghiệm tại cửa hàng cũng phản ánh định vị này khi các cửa hàng UNIQLO có quy mô lớn, trưng bày toàn bộ danh mục sản phẩm để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Chiến lược truyền thông của UNIQLO cũng đồng bộ, nhấn mạnh tính đa dạng và tính ứng dụng của sản phẩm trong nhiều tình huống khác nhau.
Tương tự, trong ngành điện máy, Điện máy XANH định vị là thương hiệu chuyên về sản phẩm điện máy, phục vụ mọi phân khúc khách hàng với danh mục sản phẩm đầy đủ, từ thiết bị gia dụng đến đồ công nghệ cao. Định vị này không chỉ thể hiện qua sản phẩm mà còn qua cách sắp xếp cửa hàng, dịch vụ khách hàng và chiến lược truyền thông.
Thời điểm nhà bán lẻ đơn thuần chuyển sang định vị thương hiệu
Nhiều thương hiệu bán lẻ nội địa khởi đầu từ việc đơn thuần cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Họ nhận thấy một mặt hàng còn thiếu tại địa phương, nhập về kinh doanh hoặc tự sản xuất, gia công rồi mở rộng quy mô dựa trên thành công ban đầu.
Tuy nhiên, khi một nhà bán lẻ bắt đầu mở rộng sang các khu vực khác, họ sẽ đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn. Những sản phẩm từng là lợi thế tại địa phương có thể không còn độc quyền ở thị trường mới. Đây là thời điểm doanh nghiệp cần xác định chiến lược định vị thương hiệu một cách rõ ràng.
Việc định vị thương hiệu lúc này không chỉ giúp tạo sự nhất quán mà còn xác định rõ thương hiệu của mình chuyên về lĩnh vực gì, từ đó điều chỉnh danh mục sản phẩm: loại bỏ những sản phẩm không phù hợp và bổ sung thêm những sản phẩm cần thiết. Đồng thời, yếu tố trải nghiệm mua sắm cũng cần được chú trọng, vì đây là một phần quan trọng trong định vị thương hiệu bán lẻ.
Trở lại với ví dụ của UNIQLO, khi họ định vị mình là thương hiệu dành cho cả gia đình, cửa hàng của họ phải có quy mô lớn, theo phong cách “megastore”, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của mọi thành viên trong gia đình. Trải nghiệm mua sắm cũng cần đơn giản, dễ dàng, với cách trưng bày hàng hóa truyền thống, phù hợp với cả người cao tuổi. Điều này cho thấy, việc định vị thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc mở cửa hàng và bán hàng, mà còn đòi hỏi sự thay đổi và điều chỉnh để phù hợp với chiến lược dài hạn.
Như vậy, khi một nhà bán lẻ không còn chỉ bán sản phẩm mà phải cạnh tranh và mở rộng quy mô, họ cần định vị thương hiệu để duy trì lợi thế và tạo sự khác biệt trên thị trường.
Cùng tìm hiểu một số định vị thương hiệu tiêu biểu
Một câu chuyện điển hình về định vị thương hiệu bán lẻ là Decathlon. Họ định vị mình là thương hiệu thể thao dành cho mọi người, mọi gia đình. Với định vị này, cửa hàng của họ thường có quy mô lớn, theo phong cách “megastore”, và tập trung vào trải nghiệm khách hàng khác biệt. Chiến lược của Decathlon không chỉ dừng lại ở việc bán hàng mà còn tạo ra một không gian vui chơi, khuyến khích khách hàng trải nghiệm sản phẩm.
Khách hàng đến đây không chỉ để mua sắm mà còn để tham gia các hoạt động thể thao, thử nghiệm sản phẩm ngay tại cửa hàng. Ví dụ, họ có các khu vực để khách hàng chạy bộ, leo núi giả lập, hay thậm chí là trải nghiệm cắm trại với lều và giường dã chiến. Cách tiếp cận này khuyến khích khách hàng trải nghiệm sản phẩm một cách tự nhiên, từ đó tăng khả năng mua hàng.
Một ví dụ khác là các thương hiệu xa xỉ (luxury) như Tiffany & Co. hay Van Cleef & Arpels. Định vị của họ rất rõ ràng: sang trọng và đẳng cấp. Chỉ cần nhìn vào cửa hàng của họ, bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt. Thiết kế cửa hàng sử dụng ánh sáng vàng ấm áp, vật liệu cao cấp, và cách trưng bày tinh tế, tạo cảm giác sang trọng từ cái nhìn đầu tiên. Họ trưng bày ít sản phẩm nhưng mỗi sản phẩm đều được đặt trong một không gian riêng, như một tác phẩm nghệ thuật. Điều này khiến khách hàng cảm thấy mình là “thượng khách” khi bước vào.
Một điểm thú vị là các thương hiệu xa xỉ hiểu rõ rằng những thiết kế của họ sẽ bị nhái lại trên thị trường, nhưng họ không xem đó là vấn đề. Ngược lại, họ coi đó là một minh chứng cho sự dẫn đầu, bởi khi một sản phẩm được sao chép rộng rãi, điều đó chứng tỏ nó đã tạo ra xu hướng.
Ngoài ra, ngành hàng trang sức cũng có đặc điểm riêng: khách hàng thường không chủ động chạm vào sản phẩm như trong ngành thời trang. Vì thế, nhân viên bán hàng tại các thương hiệu xa xỉ thường chỉ giới thiệu tối đa ba mẫu, đảm bảo mỗi mẫu đều có cơ hội cao nhất để chốt đơn mà không gây quá tải tâm lý cho khách hàng.
Một số thương hiệu bán lẻ thành công không chỉ dừng lại ở truyền thông mà còn đưa định vị thương hiệu vào không gian cửa hàng, giúp khách hàng cảm nhận trực tiếp thông điệp thương hiệu thông qua trải nghiệm thực tế.
Innisfree là một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc có định vị rõ ràng: sử dụng nguyên liệu thiên nhiên từ đảo Jeju. Định vị này không chỉ thể hiện qua sản phẩm mà còn thấm nhuần vào thiết kế cửa hàng của họ. Khi bước vào một cửa hàng Innisfree, khách hàng có thể ngay lập tức cảm nhận được tinh thần thiên nhiên qua cách bài trí không gian, màu sắc và chất liệu.
Một số cửa hàng flagship của Innisfree còn sử dụng đá núi lửa lấy từ đảo Jeju, biến chúng thành bàn trưng bày sản phẩm hoặc trang trí trong khu vực trải nghiệm. Những yếu tố này giúp khách hàng không chỉ nghe về câu chuyện thương hiệu mà còn được “chạm” vào những giá trị thiên nhiên mà Innisfree cam kết. Đây chính là cách thương hiệu đưa định vị của mình vào thực tế, giúp khách hàng có trải nghiệm mua sắm sống động và gắn kết hơn với thương hiệu.
Tóm lại, điểm chung của những thương hiệu thành công là họ có một định vị rõ ràng và “hữu hình hóa” định vị đó một cách khác biệt và nhất quán trong toàn bộ trải nghiệm mua sắm.
Phương án xây dựng định vị thương hiệu cơ bản
Ở góc độ một doanh nghiệp bán lẻ nội địa khi mới bắt đầu kinh doanh, điều quan trọng nhất là phải xác định rõ:
- Tệp khách hàng mục tiêu (Target audience) – Ai là nhóm khách hàng chính mà thương hiệu muốn phục vụ?
- Mô hình kinh doanh (Business model) – Sản phẩm cốt lõi là gì? Giá trị thương hiệu mang lại khác biệt thế nào so với đối thủ?
- Trải nghiệm mua sắm (Shopping experience) – Điều gì làm cho trải nghiệm tại cửa hàng trở nên đặc biệt và khác biệt?
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, cửa hàng bán lẻ không còn đơn thuần chỉ là nơi bán hàng, mà phải tạo ra một trải nghiệm mua sắm hấp dẫn và đáng nhớ. Trải nghiệm này không chỉ giúp khách hàng hài lòng, mà còn khiến họ quay lại và gắn bó với thương hiệu. Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần thống nhất quan điểm rằng: Khách hàng quyết định mua hàng không chỉ vì sản phẩm đúng nhu cầu mà còn là kết quả của một trải nghiệm mua sắm ưng ý.
Ngày nay, gu thẩm mỹ của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao khi tiếp cận với văn hóa đại chúng – từ điện ảnh, âm nhạc đến phong cách sống của các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Vì thế, thế hệ trẻ không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn bị thu hút bởi hình ảnh thương hiệu, thiết kế cửa hàng, phong cách trưng bày và cách thương hiệu tạo ra cảm xúc trong trải nghiệm mua sắm.
Do đó, bên cạnh chiến lược bán hàng, thương hiệu bán lẻ cần đầu tư vào thiết kế không gian, phong cách bày trí (store styling) và cách kể chuyện qua hình ảnh (visual storytelling) để tạo ra một không gian mua sắm có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với xu hướng thị trường và thị hiếu khách hàng.
Kết hợp giữa chiến lược định vị thương hiệu rõ ràng, mô hình kinh doanh phù hợp và trải nghiệm mua sắm độc đáo sẽ giúp thương hiệu không chỉ thu hút khách hàng mà còn xây dựng được một hình ảnh nhất quán trong tâm trí người tiêu dùng.
ĐỒNG HÀNH CÙNG AIG HỢP TÁC THÀNH CÔNG
- Cơ hội khai thác vị trí quảng cáo tiềm năng với hệ thống mạng lưới sẵn có và không ngừng mở rộng.
- Hỗ trợ toàn diện từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của AIG.
- Chính sách hợp tác linh hoạt: Tối ưu hóa lợi ích chung, đảm bảo đôi bên cùng phát triển.
- Hãy đồng hành cùng AIG trên hành trình phát triển mạng lưới quảng cáo toàn quốc và lấp đầy các vị trí nổi bật trên sàn Ex-DOOH. Với kinh nghiệm dày dặn, sự sáng tạo không ngừng và tầm nhìn chiến lược, chúng tôi mang đến các giải pháp tối ưu, gia tăng hiệu quả hợp tác và mở rộng cơ hội tiếp cận khách hàng. Cùng nhau, chúng ta không chỉ mở rộng sự hiện diện thương hiệu mà còn kiến tạo những thành công đột phá, kết nối hàng triệu khách hàng tiềm năng trên mọi miền đất nước, nâng tầm giá trị thương hiệu.
Không tìm thấy bình luận nào